Dành cho phản biện

Tạp chí thực hiện chính sách phản biện kín hai chiều (double blind) để nâng cao chất lượng các bản thảo được xuất bản bởi Tạp chí. Tác giả và chuyên gia phản biện sẽ được ẩn danh; mọi thông tin trao đổi sẽ phải thông qua Tòa soạn.

Việc lựa chọn chuyên gia phản biện dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm: lĩnh vực nghiên cứu, chuyên môn, sự giới thiệu của các chuyên gia trong ngành, cũng như kinh nghiệm trong quá trình cộng tác với Tạp chí. Tạp chí hoan nghênh các đề xuất từ phía tác giả về những chuyên gia phản biện phù hợp cho bản thảo của mình. Tạp chí đánh giá cao sự đóng góp của các chuyên gia phản biện đã dành thời gian góp ý, chỉnh sửa, hoàn thiện các bản thảo. Các chuyên gia phản biện có mối quan hệ tài chính/phi tài chính quá gần với tác giả/ đề tài nghiên cứu, hoặc có tồn tại sự cạnh tranh về lợi ích, sẽ không được lựa chọn để phản biện bản thảo. Tạp chí khuyến khích các chuyên gia phản biện thông báo đến Tạp chí nếu phát hiện có sự xung đột lợi ích xảy ra.

Các bản thảo vượt qua vòng sơ duyệt mới được gửi đi phản biện chính thức. Việc đánh giá bản thảo và gửi lại kết quả phản biện đều được thực hiện một cách bảo mật thông qua hệ thống trang web trực tuyến của Tạp chí.

Bất kể trong trường hợp nào, các chuyên gia phản biện có trách nhiệm bảo đảm tính bảo mật cho tất cả các tài liệu trong quá trình phản biện. Chuyên gia phản biện không được chia sẻ các đánh giá hoặc thông tin về bản thảo với bất kỳ ai hoặc liên hệ trực tiếp với tác giả mà không có được sự đồng ý của Tổng biên tập.

Khi nhận được lời mời từ Tòa soạn, chuyên gia phản biện cần: (1) bảo đảm bản thảo phù hợp đúng lĩnh vực chuyên môn của phản biện; (2) bảo đảm các chính sách mà Tạp chí đã công bố; (3) đáp ứng thời gian trả lời phản biện (tối đa 20 ngày đối với vòng một và 07 ngày đối với vòng hai), (4) và các vấn đề liên quan đến việc xung đột lợi ích tiềm ẩn. Tùy theo việc thỏa mãn bốn điều kiện nêu trên và các lý do cá nhân khác, chuyên gia lựa chọn việc chấp nhận hay từ chối lời mời phản biện từ Tòa soạn.

Chuyên gia phản biện sẽ cho ý kiến nhận xét, thẩm định nội dung khoa học và hình thức của bài báo một cách khách quan, trung thực, trên tinh thần tự nguyện, tự do học thuật, bảo mật thông tin, dựa theo Mẫu phiếu phản biện được cung cấp bởi Tòa soạn. Các khuyến nghị, nhận xét nhằm mục đích giúp các tác giả hoàn thiện, nâng cao chất lượng bản thảo để đáp ứng yêu cầu duyệt đăng của Tạp chí. Trên cơ sở đánh giá bản thảo bản thảo, chuyên gia phản biện có ý kiến kết luận về việc chấp nhận, từ chối, hoặc yêu cầu tác giả chỉnh sửa, bổ sung bản thảo. Sau khi nhận được kết quả nhận xét, Tạp chí có thể yêu cầu chuyên gia phản biện hỗ trợ cung cấp thêm các ý kiến, trao đổi khác về bản thảo để hoàn thiện quá trình phản biện.

  • Nhận xét của chuyên gia phản biện sẽ đánh giá các nội dung chính sau:
    • Tiêu đề
    • Tóm tắt & từ khóa
    • Giới thiệu
    • Lý do nghiên cứu
    • Cơ sở lý thuyết
    • Phương pháp nghiên cứu và cơ sở dữ liệu
    • Đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn của bản thảo
    • Hình thức trình bày và lỗi chính tả/ngữ pháp
    • Danh mục tài liệu tham khảo
  • Đánh giá xếp hạng bản thảo theo ý kiến cá nhân của chuyên gia phản biện (gồm 7 mức): 
    • A-Excellence (xuất sắc), 
    • B-Very good (rất tốt), 
    • C-Good (tốt), 
    • D-Acceptable (chấp nhận), 
    • E-Below average (dưới trung bình), 
    • F-Poor (tệ).
  • Đề xuất của người phản biện: Sau khi đánh giá bản thảo, người phản biện lựa chọn một trong các đề xuất sau để giúp Tạp chí đưa ra quyết định đối với bản thảo: 
    • Chấp nhận bản thảo mà không cần chỉnh sửa; 
    • Chỉnh sửa và nộp lại Tòa soạn (chỉnh sửa nhỏ kèm theo bản giải trình và không cần nộp lại để phản biện); 
    • Chỉnh sửa và nộp lại để phản biện (Các điểm cần sửa ảnh hưởng lớn đến nội dung của bài báo nên bản thảo sau khi sửa cần phải được gửi lại cho người phản biện để đánh giá lại kèm theo bản giải trình); 
    • Từ chối bản thảo (Cần giải thích rõ lý do trong báo cáo).
  • Các đánh giá và đề xuất của chuyên gia phản biện cần tương thích với nhau:
    • Mức đánh giá từ A-D: chấp nhận đăng (có hoặc không cần chỉnh sửa, hoặc chỉnh sửa và nộp lại để phản biện lần hai)
    • Mức đánh giá E-F: Từ chối đăng

Quyết định cuối cùng: Sau cùng, biên tập viên sẽ cân nhắc các khuyến nghị của các phản biện để đưa ra các yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, trao đổi với tác giả nếu cần thiết.